Thực hiện Kế hoạch số 287/KH-UBND ngày 11/10/2024 của Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải triển khai thực Nghị quyết số 65-NQ/HU ngày 30/9/2024 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn huyện; Công văn số 3594/UBND-TNMT ngày 24/10/2024 của Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải về việc tiếp tục triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

* Ý nghĩa của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn:
- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế.
- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm.
- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường.
- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường nhằm giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.
- Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn làm giảm lượng tỷ lệ chất thải rắn trơ chôn lấp - tiết kiệm tài nguyên đất; giảm ô nhiễm môi trường.
- Tăng lượng rác tái chế, tái sử dụng - tận dụng, tiết kiệm tài nguyên; mang lợi ích kinh tế cho gia đình; gây quỹ cho hoạt động cộng đồng.
- Là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội, đối với thành phố.
* Lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt
- Tiết kiệm tài nguyên, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào trong sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường.
- Tăng lợi ích về kinh tế, giảm ngân sách trong quá trình xử lý rác thải.
- Tái chế thành các vật dụng có thể sử dụng hàng ngày.
- Bảo vệ môi trường sống của con người và các loài sinh vật khác.
- Nâng cao ý thức cộng động để tạo ra môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Hướng dẫn phân loại rác: Tại Khoản 1, Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Chất thải rắn sinh hoạt (hay còn gọi là rác) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau:
- Rác có khả năng tái sử dụng, tái chế
- Rác thực phẩm.
- Rác sinh hoạt khác.
Rác tái chế bao gồm các loại đồ đựng bằng nhựa (chai, bình, ống, can, thùng, hộp, khay đựng…); túi ni lông, các vật dụng bằng nhựa khác; giấy vở, sách báo, tạp chí, thùng carton, giấy gói, hộp sữa, tờ rơi, hộp bánh kẹo…; vỏ lon bia, nước ngọt, hộp sữa thiếc, nồi chảo, móc kim loại, vật dụng bằng kim loại…; Thu gom vào túi/ thùng riêng để bán phế liệu hoặc giao cho đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt.
Rác thực phẩm bao gồm rác nhà bếp (thức ăn thừa; rau quả, trái cây hư hỏng; vỏ trứng, sò, ốc; bã trà, bã cà phê; cành hoa; rác vườn (cỏ, hoa lá, cành cây nhỏ; xác động vật nhỏ,...).
- Bỏ rác vào thùng chứa màu xanh hoặc túi (bọc) màu trong, màu xanh. Nếu bỏ rác vào túi phải đánh dấu trên túi đựng rác để phân biệt trước khi bàn giao cho đơn vị thu gom.
- Các việc nên làm: Loại bỏ nước (nếu có) trong rác thực phẩm để giảm khối lượng, hạn chế mùi hôi và côn trùng phát sinh trong quá trình lưu trữ; Tận dụng thức ăn thừa làm thức ăn cho vật nuôi; Có thể tự ủ phân hữu cơ từ rác thực phẩm tại nhà để bón cho cây trồng.
Rác sinh hoạt khác bao gồm các vật dụng đựng thức ăn bị nhiễm bẩn (túi ni lông, hộp xốp, hộp nhựa), vỏ bánh kẹo, đầu lọc thuốc lá, các loại giấy có cán màng, giấy than, giấy ảnh, bông băng y tế tại gia đình, băng, giấy, tã vệ sinh; đồ bằng gốm sứ, thủy tinh; vải sợi, quần áo, khăn, giày dép cũ rách, găng tay cao su, thú nhồi bông, đồ da cũ; đồ chơi, mút xốp, ô dù, vật dụng bằng nhựa cứng, văn phòng phẩm, đĩa CD, DVD,…
- Bỏ rác vào thùng chứa màu xám hoặc túi (bọc) màu tối, màu xám. Đây là nhóm rác sau khi thu gom được đưa về khu xử lý rác để chôn lấp hợp vệ sinh.
* Rác thải cồng kềnh: là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây. Các hộ dân chủ động liên hệ đơn vị thu gom để thỏa thuận thu gom vận chuyển.
* Chất thải nguy hại phát sinh trong hoạt động sinh hoạt: pin, bình đựng hóa chất tẩy rửa, bình xịt côn trùng thải; bóng đèn, thiết bị điện tử, gia dụng hư hỏng. Đây là nhóm rác sau khi thu gom sẽ được đưa về cơ sở có chức năng xử lý để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường hoặc điểm thu hồi chất thải nguy hại tại địa phương.
Lộ trình thực hiện:
- Từ ngày 01/11/2024: các hộ gia đình, cá nhân tiếp tục thực hiện phân loại rác tại nguồn.
- Từ ngày 01/12/2024: 50% các hộ gia đình, cá nhân trang bị thùng rác chuyên dụng và hoàn thành việc thực hiện phân loại rác tại nguồn.
- Từ 01/01/2025: 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn theo qui định của Luật Bảo vệ môi trường.
* Ủy ban nhân dân thị trấn Cát Hải: Phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt) xác định thời gian, tần suất, phương thức, địa điểm và tuyến thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; thông báo rộng rãi đến 100% các hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải thông qua hệ thống truyền thanh của địa phương và kênh thông tin qua tổ trưởng các tổ dân phố.
+ Tăng cường triển khai và nhân rộng cá mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phù hợp với tình hình thực tế.
+ Kiểm tra đột xuất tới từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn;
+ Trang bị hệ thống camera giám sát tại các điểm thu gom;
+ Kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm theo qui định của pháp luật.
+ Đưa tiêu chí thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn là tiêu chí quan trọng để xét tặng các danh hiệu gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa... đồng bộ với đánh giá phân loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn.
* Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm:
+ Giảm thiểu chất thải rắn phát sinh;
+ Thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo qui định chậm nhất là ngày 31/12/2024;
+ Lưu trữ, chuyển giao thải rắn đã được phân loại đảm bảo thời gian, phương thức đã thống nhất tại địa phương; khuyến khích chuyển giao trực tiếp chất tahir rắn sinh hoạt sau phân loại;
+ Tăng cường công tác giám sát và phản ánh với chính quyền địa phương khi phát hiện các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thực hiện không đúng theo thời gian, tần suất, phương thức, địa điểm và tuyến thu gom theo qui định.
* Xử lý vi phạm hành chính
Căn cứ để xử phạt:
+ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
+ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
+ Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Mức xử phạt: Theo Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định./.